Saturday, November 14, 2015

Cơn Mưa Trở Về / Mùa Tạ Ơn 2015

Cơn Mưa Trở Về
 Phạm Hòa .
            Đối với  anh em  tình nguyện phục vụ cho Nha-Kỹ-Thuật  mà trong đó  anh em nhảy tóan   thuộc các Chiến Đòan  của NKT đã  được đi vào huyền thọai  với cái  tên là  Lôi-Hổ, Trong các chuyến công tác bí mật (undergroug activities)  anh em chúng tôi  luôn luôn được yểm trợ  ngòai MACVSOG  ra còn có được  sự giúp đỡ chính thức từ  Không Quân ( như  PĐ King Bee 219, PĐ 229, 235, 110, 118, 530. v.v...) , hay Lực lượng Hải Quân  (Hải Tuần, Hạm Đội...) của QL VNCH. Tất cả anh em Lôi-Hổ và  các chiến hữu yểm trợ  Tóan  đều đã biết trước số mạng của mình  sẽ ra sao trong những chuyến ra đi không hẹn ngày về  một  khi  cùng nhau  xâm nhập trong bóng đêm đến bên kia bờ sông Dịch,

Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...

            Số mệnh đã an bài cho những chiến sĩ đã đành, nhưng ít ai nghĩ đến số phận  của thân nhân những anh em, chiến sĩ vô-danh này  khi họ đã hy sinh vì nước và sau cơn Đại Hồng Thủy nước mất nhà tan, người chịu cảnh tù tội, người thì hy sinh trên đường tìm tự do, người thì sống khắc khỏai mong chờ tin người thân  mà trong suốt hơn 40 năm qua  không biết tìm ở đâu, hỏi ở đâu, sống trong vất vưởng khổ đau và ngậm ngùi.
           Cách đây  mấy ngày thật bất ngờ và  qúa bất ngờ nhận được  Email của một cháu gái tên là Tâm, là con gái lớn  của King Bee Nguyễn Thanh Giang  thuộc Phi Đòan Long Mã 219, Trung Úy Giang có thời cùng  sống chết với anh em Lôi-Hổ chúng tôi  trong việc thả Tóan và đón Tóan  trên  các con đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào, và Cambodia,  mà làm sao ai đã từng  ở Recon Team (RT), thuộc  3 Chiến Đòan như:  Chiến Đòan 1 Xung Kích (CCN) tại Đà Nẵng, Chiến Đòan 2 XK (CCC) tại Kontum, và Chiến Đòan 3 XK (CCS) tại Ban Mê Thuật mà lại không  có ít nhiều kỷ niệm  với  "King Bee Man" Nguyễn Thanh  Giang ... và trong lá thư của cháu Tâm  gởi cho tôi cháu  đã không ngăn được sự xúc động và đau lòng  khi biết được cái chết của thân phụ cháu khi đọc  qua thiên hồi ký : "Chuyến Bay Tử Thần vào đồi 31 Hạ Lào " do King Bee  Bùi Tá Khánh  ghi lại, đù nay đã trên 40 năm rồi,  nhưng cũng như cơn mưa từ đâu bất chợt ập về làm ngập hồn bao anh em, và gia đình người lính bị ngã ngựa VNCH...
            Tôi không biết phải nói làm sao đây,  dù Đất Trời mênh mang nhưng không biết tìm đâu ra câu trả lời,  tìm đâu ra câu  an ủi gia đình thân nhân Tử-Sĩ,  tìm đâu ra câu nói thật lòng mình với anh em  đã hy sinh  và  cũng tự hỏi lòng  ta đang là ai trên xứ lạ này ...
             Nếu anh em chưa từng  đọc " Chuyến Bay Tử Thần ..." do anh Khánh viết thì chắc chưa  biết  một trang Thiên Anh Hùng Ca của  QL VNCH  có gía trị muôn đời,  mà trong đó có một số nhân vật  đã chịu chung số phận bi thảm trên đồi 31 Hạ Lào, nhưng may mắn thay  cũng có  1 số rất ít anh em  hiếm hoi này vẫn còn sống và đang  được  đòan tụ với gia đình và người thân tại Mỹ  như King Bee Trung-Uý  Chung Tử Bủu, sau thời gian  dài lưu đày tại Miền Bắc xa xôi sau khi  anh bị gãy cánh đại bàng bên Lào năm 1971, và hôm nay anh Chung Tử Bửu  đã là một vị Mục Sư  đáng kính  tại Tiểu Bang Texas Hoa-Kỳ  và  nhân đây tôi cũng  xin mạn phép trích một đọan  về thiên hồi ký này  để  người còn sống và những thế hệ tương lai của Việt Nam mai sau   hiểu thêm một giai đọan  tuy bi thương  nhất  của dân tộc nhưng cũng không kém phần  hùng tráng   đã ghi lại trong sử xanh nước Việt về   người chiến Sĩ Miền Nam Việt Nam  tức VNCH  đã kiên cường bất khuất  trong công việc  giữ nước và bảo vệ nước.  
(Trích đọan)
            . . . Hôm nay đến phiên trực của chúng tôi. Phi đội gồm có 2 phi cơ do anh Chung tử Bửu lead, tôi copilot và Nguyễn văn Em là mêvô, chiếc thứ hai tôi chỉ nhớ hoa tiêu chánh là anh Yên. Chúng tôi vào phi đoàn nhận lệnh vào lúc 8 giờ sáng rồi chia tay nhau về nhà sửa soạn hành trang, hẹn gặp nhau lúc 10 giờ ngoài phi đạo 219.
            Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm tiền phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ, đồ nghề và anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông Hà, Quảng Trị. Khoảng quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa đến nơi, không màng ăn trưa vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên chúng tôi quyết định phải vào ngay đồi 31 chứ không thể đợi lâu hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương SÐ Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì tôi và mêvô Em đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư sức bay không cần phải refuel.
            Một lát sau từ phòng briefing ra, anh Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào chúng ta sẽ chở theo một tiểu đội tác chến điện tử Dù cùng với 18 chiếc máy "sensor" vào tăng phái cho căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch, chuyến ra sẽ rước phi hành đoàn anh Nguyễn thanh Giang về. 15 phút trước khi lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc theo quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không địch vì tình hình lúc này rất gây cấn, địch tập trung lên đến cấp tiểu đoàn phòng không gồm đủ loại từ 37 mm, 12ly7 và lần đầu tiên còn nghe có cả SA7 nữa. Về không trợ thì có 2 chiếc Gunship của phi đoàn 233 do trung uý Thục bay trước mở đường.
            Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã được nói chuyện trực tiếp với anh Giang từ trong đồi 31 và được biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng anh Giang đã dùng chiến thuật "lá vàng rơi", từ trên cao cúp máy auto xoáy trôn ốc xuống, nhưng vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần đến đất, phi cơ anh bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng rào phòng thủ ngoài cùng của Lữ Ðoàn 3 Dù. Phi hành đoàn vô sự, chỉ có copilot là Võ văn On bị xây xát nhẹ ở cổ, tất cả chạy thoát được vào trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, mêvô Trần hùng Sơn không quên vác theo cả cây M60 trên cửa máy bay nữa. Rút kinh nghiệm, hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng Ðông-Tây đi vào. Trên đường bay dọc theo quốc lộ số 9 tôi còn nhìn thấy những cột khói bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù bắn rất chính xác và hiệu qủa. Gần đến LZ anh Bửu đổi hướng lấy cấp Ðông Nam-Tây Bắc để đáp xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi đã thấy chiếc Gunship của trung uý Thục bay vòng lại, cùng với tiếng anh la lên trong máy "Bửu coi chừng phòng không ở hướng Tây". Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng điệp của rừng cây nhiệt đới, ngọn đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân bắc Việt. Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống. Khi phi cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng không, phi cơ phát hoả, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ, mêvô Em la lên khẩn cấp trong máy "đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi, máy bay cháy". Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing "Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa" trong khi vẫn bình tĩnh đáp xuống. May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ đã hết xăng, chỉ còn ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như phi cơ đại uý An ở Bù Ðốp hôm nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió, xăng, điện rồi nhảy ra khỏi phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía hàng rào phòng thủ thứ nhất của đại đội công vụ Dù cách khoảng 100 thước. Tôi còn tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để lấy. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng đạn ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu, đống máy "sensor" vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp vớ lấy cái xách tay rồi phóng chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh sĩ Dù "trên đây nè thiếu uý, tụi tôi bắn yểm trợ cho". Tôi lom khom chạy trong khi tiếng đạn nổ lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi tôi thở như bò rống. Không quân mà hành quân dưới đất thì phải biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1971.
            Vừa ngồi nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi tải thương nơi chiếc phi cơ đang đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch điều chỉnh tác xạ, một quả đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung, bốc cháy khói đen mù mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu xụm xuống, lòng quặn lên. Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ thành một đống sắt vụn.
            Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh sĩ Dù, chúng tôi men theo giao thông hào lần về đến ban chỉ huy Lữ Ðoàn 3 Dù. Gặp lại phi hành đoàn anh Giang, On, Sơn anh em chúng tôi mừng rỡ thăm hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Ðoàn 3. Ðầu tiên là đại tá Thọ lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 3, thiếu tá Ðức trưởng ban 3, dại uý Trụ phụ tá ban 3, đại uý Nghĩa sĩ quan liên lạc KQ, trung uý Chính sĩ quan Không trợ Dù, thiếu uý Long phụ tá ban 2. Về phía pháo binh thì có trung tá Châu tiểu đoàn trưởng và đại uý Thương trưởng ban 3 thuộc tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Ðại tá Thọ mừng anh em "mới đến" mỗi người một điếu Havatampa và một ly Hennessy để lấy lại tinh thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến đầu ác liệt vậy mà mấy "ông" nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì-gà Cuba và uống rượu Mỹ như máy! Quả các anh ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc cũng chì thật.
            Buổi chiều vùng rừng núi trời tối thật nhanh, chúng tôi dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké với anh em Dù. Tôi được ngủ chung một hầm với anh Nguyễn quốc Trụ, một sĩ quan trẻ xuất thân khóa 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột của trung uý Nguyễn hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong phi đoàn tôi. Tin tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản bắc Việt, sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như một lưỡi dao đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân đưa thêm quân vào tạo áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh lộ của chúng.
            Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay tiếp tế nào vào được vì địch quân luôn di động dàn phòng không của chúng khiến KQVN và HK không phát huy được ưu thế của mình. Mỗi sáng, chỉ có 2 phi tuần F4 đến ném bom vài khu vực khả nghi chung quanh đồi 31 và thỉnh thoảng mới có một đợt B52 rải thảm ì ầm xa xa vọng đến rồi mọi sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp. Ngược lại, quân bắc Việt tập trung bao vây, tăng cường pháo kích suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao lực lượng Dù.
            Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, chúng tôi nhận được lệnh và khởi sự di chuyển ra các hầm cứu thương sát bãi đáp chờ đến trưa đích thân phi đoàn với 3 chiếc H34 sẽ vào tải thương binh Dù đồng thời bốc 2 phi hành đoàn ra. Tôi và anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung với nhau trong một hầm trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ quen thuộc xa xa thì cũng là lúc địch khởi đầu trận "tiền pháo" dồn dập lên đồi 31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn qua bên kia đồi đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thây rõ hai chiếc xe tăng T-54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả đạn. Những tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu xuống cùng nhìn nhau như nhắc nhớ câu mà anh em trong phi đoàn thường nói với nhau mỗi khi lên đường hành quân "Trời kêu ai nấy dạ!".
            Ngòai kia, trong từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt, nhất là những pháo thủ pháo đội C trên căn cứ 31, với những khẩu pháo đã bị hỏng bộ máy nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng vào xe tăng địch bên kia đồi và trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ ngay được 2 chiếc T54. Nhưng để trả giá cho hành động dũng cảm này nhiều binh sĩ Dù đã nằm xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của họ, trong số này có cả pháo đội trưởng Nguyễn văn Ðương, người đã là niềm hứng khởi cho một nhạc phẩm nổi tiếng sau đó. Chúng tôi vui sướng reo mừng trong hầm bên này. Không ngờ, chỉ mỗt lúc sau 2 xe tăng khác ở phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi rồi lại hướng súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt đạn, một phi tuần 2 chiếc F4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào đội hình địch, và lại phá hủy thêm 2 xe tăng nữa. Trong tiếng bom đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng máy nổ của những chiếc H34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho số phận những đồng đội của mình. Cho đến khoảng 5 giờ chiều thì địch tràn lên chiếm được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ Dù ra đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.
            Về phía KQ, tôi, anh Bửu, On và Sơn bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra bắc Việt chung với tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi bắt đầu thăm hỏi các SQ và binh sĩ Dù trên đường đi. Cuối cùng tôi gặp được anh Long là người ở chung trong hầm với anh Giang khi cộng quân kêu các ra đầu hàng. Ðến lần thứ 3 các anh vẫn không chịu ra nên chúng thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên chúng bắt theo còn anh Giang vì bị thương nặng gãy cả 2 chân không đi được nên bị chúng bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần mêvô Em thì bị lạc đạn trúng bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ 2 tay ôm bụng giữ lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một khoảng không chịu được đau đớn Em gục chết ở bên đường.
            Thế là 219 ghi thêm vào quân sử của mình một thiệt hại 2 phi hành đoàn trên chiến trường Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên đồi. Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của 2 phi hành đoàn đó là Bửu, On, Khánh và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những bến bờ vô định, biết còn có ngày về hay không?
            Viết để nhớ đến tất cả những chiến sĩ anh hùng đã thành danh hay vô danh, vẫn còn sống hay đã hy sinh cho quê hương đất nước. Sau 31 năm ít ra tên tuổi các anh vẫn còn được nhắc đến một lần.
Bùi Tá Khánh
- - - - -
            Trở lại  tiếp tục chuyện  cháu Tâm,  con gái của  Tử -Sĩ Trung Úy Nguyễn Thanh Giang,  và tôi cũng xin được chia xẻ lá thư này với anh em Lôi-Hổ  cũng như anh em trong  PĐ King Bee 219  với những gì cháu Tâm đã trải lòng mình  như sau,

 " Tôi tên Tâm, ở Nha Trang Việt Nam, hôm nay vô tình đọc được bài viết này mới biết ba tôi Nguyễn Thanh Giang là pilot phi đoàn 219, không đoàn 41, sư đoàn 1 Đà nẵng , chỉ huy là thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, hơn 40 năm qua 4 mẹ con tôi không biết chính xác ngày ba tôi mất, chỉ biết mất tích tháng 2 năm 1971, trận Hạ Lào Lam Sơn 719 đồi 31.Đọc bài chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ Lào của Ông, tôi thật sự thấy khủng khiếp, vì khi ba tôi ra đi, tôi chưa được 4 tuổi...Giờ thì tôi biết chính xác ngày ba tôi mất là 25/2/1971, thật tội nghiệp cho ông, bị thương nặng và gãy cả 2 chân, chỉ nghĩ đến những giây phút sắp chết của ông, đau đớn, mất máu, cô đơn trong hầm, trên đồi 31 khói lửa bom đạn,...tôi thật sự sợ hãi và ko dám tưởng tượng nữa...nhưng dù muộn còn hơn ko bao giờ tôi dc biết sự thật này...
Cám ơn bài viết của Ông rất nhiều, rất rất nhiều, thiệt tội nghiệp cho ba tôi! Cám ơn Ông!
Xin lỗi Ông nếu có một lúc nào đó Ông có thời gian xin email cho tôi với nhé, vì mẹ tôi cần thêm thông tin về quí vị đồng đội của ba tôi,chào Ông và chúc Ông luôn mạnh khỏe và bình an ".
- - - - -
            Theo tôi được biết hiện tại cháu Tâm đang sống tại Nha Trang  gồm 3 chị em, và  trong số  3 chị em  thì lúc anh Giang mất cháu út chưa đầy 1 tuổi và cháu Tâm lớn nhất gần 4 tuổi, Chị Giang đang dạy học tại Đà Nẵng và  sau khi nghe tin anh Giang bị mất tích (MIA)  thì chị xin về lại nguyên quán Nha Trang và ngày ấy chị cũng không biết nhiều về những chiến hữu của PD219.
            Khi nói chuyện với Chị Giang chị cho biết chỉ nhớ anh Phố, riêng trường hợp mất tích của anh Giang , chị phải chờ  xác nhận của Phi Đoàn và chị  cũng  chỉ biết  theo dõi tin tức về Đại Tá Thọ bị bắt tại Hạ  Lào trên báo chí mà thôi .
            Chị  Giang  đã ráng nuôi 3 cháu 1,2, và 3 tuổi cho các cháu nên người . Riêng gia đình anh Giang vì anh là con một và cha mẹ anh bây giờ cũng đã mất nên chẳng còn ai.
            Khi được hỏi nguyện vọng của  chị và các cháu  con anh Giang như thế nào, thì chi Giang cho biết  khi anh Giang  hy sinh thì các cháu còn  quá nhỏ  và hòan tòan không biết chút nào về cha các cháu và  chị có nhắn là nếu những chiến hữu trong Phi Đòan King Bee 219 của ba cháu còn nghĩ đến tình đồng đội  thì có thể  liên lạc và giúp các cháu.
            Tuần qua tôi có e-mail cho cháu Tâm để xin số điện thoại và địa chỉ và chưa nhận hồi âm của cháu, hiện tại chị Giang không sống gần các cháu, và Hoàn cảnh thật thương tâm  của chị Giang và  các cháu làm  tôi cũng rất là xúc động không ít..
            Tôi cũng đã liên lạc với anh Bùi Tá Khánh người đã viết Chuyến Bay Tử Thần vào đồi 31
và anh Khánh hứa sẽ liên lạc với cháu Tâm. Tôi cũng đã  hỏi anh Chiêu, Cựu Liên Tóan Trưởng tại CCC, Chiến Đòan 2 Xung Kích, người đã được  anh Giang Thả Tóan và đón Tóan  rất nhiều lần tại đường  mòn 96 và 110 của hệ thống đường mòn  Hồ Chí Minh , mà trong những lần đón Tóan của anh Chiêu  phi  cơ King Bee (H-34) do anh Giang lái,  tưởng rớt nhiều lần  vì  bị Ground  fire (phòng không của VC),  và anh  Lâm Ngọc Chiêu cho biết còn rất nhớ anh Giang  lái máy bay rất  giỏi nhưng  cũng rất Cao-bồi không ai bằng,  nhưng anh Giang cũng   bay  ride smooth (bay sát ngọn cây)  cũng không thua kém ai  trong  phi đòan.
            Anh em đã hy sinh  cho  người còn sống  có được ngày nay ,  và đa số anh em King Bee 219 qua Mỹ tương đối sớm, nếu ngày ấy  Trung-úy  Phi Công 219 Nguyễn Thanh Giang không bị gãy cánh đại bàng bên xứ Lào xa xôi rồi sau đó không lâu tại đồi 31,  cùng  hy sinh một lúc với người Đại-Úy Mũ-Đỏ tên Đương,

" Anh không chết đâu em , người anh Hùng Mũ-Đỏ tên Đương....
Tôi vẩn thấy đêm đêm, một bông  dù sáng trên đồi máu ..." 
       
            Thì biết đâu ngày nay anh Giang cũng  có mặt trên xứ lạ này, và con cái của anh  cũng được ăn học đàng hòang và thành tài như bao con cái của anh em King Bee 219 hay H.O  khác, tôi không biết  anh em PĐ Long Mã nghĩ sao, riêng chúng tôi  là  những gã Lôi-Hổ  còn sống sót  trở về,  không dám xem  gia đình anh Giang như  kẻ xa lạ  hững hờ, mà  cảm thấy như  còn một món nợ cho người nằm xuống cần phải  trả , như,
" missions impossible " của ngày nào phải hòan tất !

Và hàng cây me trút lá khô trên vai tôi...
Càng nhớ thương bạn ơi ! (GBKT)
 
Phạm Hòa.
Toán 723 /SCT/NKT
(Mùa Tạ Ơn, Tháng 11 năm 2015).

No comments:

Post a Comment