Phi trường La Vang – Quảng Trị 1967
Vào một buổi sáng, Sài gòn còn chìm trong màn sương mai mỏng, chúng tôi, tất cả gồm 10 người, thuộc SĐ IV và SĐ III KQ tề tựu đông đủ trước phòng Đặc Trách Quan Sát BTLKQ, và được Thiếu Tá Trưởng Phòng hướng dẫn ra bãi đậu Phi Cơ, chiếc DC4 ngoan ngoãn chờ đợi chúng tôi ở đó.
Hoa Tiêu lên mở máy, taxi, rồi cất cánh trực chỉ Nha Trang…. Đáp Nha Trang hồi 8 giờ sáng, nửa tiếng sau cất cánh lại, vượt mây mưa và hàng trăm cây số núi rừng lên Pleiku, để nhận thêm mấy Sĩ Quan Liên Lạc KQ, rồi mới bay thẳng ra Đông Hà.
Trên lộ trình cuối cùng này, trần mây thấp và dày đặc, Phi cơ tránh mây, đã phải bay lên cao, lên cao mãi… Tôi đoán chừng cao độ khoảng 15 ngàn bộ! Không khí buốt lạnh, làm chúng tôi ngồi co ro trong những chiếc áo Blouzon và phải hút thuốc lá liên miên. Sau gần một tiếng đồng hồ trôi theo mây gió đường xa, Phi cơ chao nghiêng, chúng tôi nhìn thấy thành phố Quảng Trị hiện ra mờ xa dưới cánh, một phố thị mà riêng tôi đã non mười năm bỏ xa biền biệt…
Bây giờ, thì mỗi người thả hồn trôi theo những suy tưởng, những băn khoăn, và niềm lo lắng về sứ mạng sắp phải thi hành, trên Chiến trường khốc liệt, mà chúng tôi ai nấy đã biết ít nhiều qua báo chí, và đài phát thanh.
Phi trường Ái Tử, hiện ra lờ mờ dưới lớp mây mù, in một vệt đen dài trong màn mưa mỏng, con tàu xà thấp cánh gió, đáp nhẹ và quay đậu, đổ chúng tôi xuống sân đậu.
Cơn mưa buồn và nhẹ hất vào mặt chúng tôi, giữa chốn mênh mông của phi trường.
Chúng tôi đứng co ro khúm múm, trong cái lạnh buốt giá của mùa mưa xứ này. Sau 15 phút thấp thỏm chờ đợi, thì một chiếc xe Dodge cũ kỹ chạy lại gần, mười mấy khuôn mặt KQ từ trên xe nhảy xuống, chào hỏi qua loa, rồi vội vã phóng lên phi cơ, như trút bỏ tất cả khó nhọc lại cho trận chiến! Cho chúng tôi! Những ngày tháng rét lạnh, hiểm nguy và vất vả, nhọc nhằn….
Họ là những người hết hạn biệt phái và chúng tôi là lớp người tiếp nối nhiệm vụ của họ…
Chúng tôi lên xe về căn cứ, bảy cây số ngàn đuờng xe, với khung cảnh nhuộm đầy sắc thái Chiến Tranh, âm thanh hỗn loạn của phi cơ, trọng pháo, xe tăng, vận tải, chuyển quân rầm rộ…
Không khí mổi lúc mỗi ngồm ngộp, tạo nên bao nỗi giao động trong tâm hồn mọi người, cơn mưa như tấm màn lưới nhện, đan nhẹ vào không gian giá rét và không khí lạnh lẽo bao trùm rộng lớn.
Chúng tôi đến Biệt Đội VO10, một biệt đội thuộc biệt đoàn Tiền Phương, do Thiếu tá Mạnh làm Biệt Đội Trưởng,
Biệt Đội này gồm các loại máy bay như: HU1, H34, OV2, OV10 với nhiệm vụ Đổ Bộ, Tải Thương, Yểm Trợ Hỏa Lực.
Chúng tôi ở chung với anh em PĐ 110, và PĐ 114, cùng các Sĩ Quan Không Trợ, bay OV2 hướng dẫn C47 và C119 yểm trợ hỏa lực ban đêm.
Căn nhà chúng tôi tá túc, chỉ là một kho chứa vật liệu cũ của Hoa Kỳ, vừa chật chội lại vừa thiếu thốn tiện nghi,
Buổi sáng, buổi trra chúng tôi dùng bữa ở Mess hall của Bộ Binh Hoa Kỳ, buổi chiều về nhận Briefing và đi bay, mỗi ngày chúng tôi có khoảng 24 Phi Vụ.
Chúng tôi bay phối hợp với Đồng Minh Hoa Kỳ, trên loại máy bay OV10.
Đây là loại phi cơ vừa có thể bay bằng hệ thống phản lực, vừa có thể bay bằng hệ thống cánh quạt.Trang bị 8 nòng Minigun và 14 Rockets, hoặc loại 4 nòng Minigun và 28 Rockets. Cũng có thể trang bị Minigun và 02 trái bom 250 lbs, tùy theo tình hình của chiến trường.
Biệt đội có chừng 20 chiếc OV10, Hoa Tiêu Mỹ biệt phái từ Thái Lan qua.
Chúng tôi bay mỗi ngày 02 Phi vụ, mỗi Phi vụ từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ.
Phần nhiều cất cánh dưới trời mưa, và lên đến 9, 10 ngàn bộ mới lấy hướng, bình phi, và vượt hàng trăm cây số đường núi mới qua Hạ Lào.
Thời tiết vùng Hành quân thường tương đối tốt hơn vùng xuất phát.
Chúng tôi bay 7 hoặc 8 ngàn bộ trên mục tiêu. Dưới tầm mắt chúng tôi là một màu xanh rừng núi, điệp điệp trùng trùng, một vùng hoang vu xa lạ, đầy dẫy huyền thoại về rừng thiêng nước độc, khói lửa bốc cháy ngút ngàn, ven sườn đồi, chân núi, triền dốc, lối mòn, chỗ nào cũng lăn lóc, ngổn ngang xe
tăng, vận tải Bắc Việt.
tăng, vận tải Bắc Việt.
Hệ thống đường mòn và khe suối ở đây chằng chịt, chi chít.
Đồi 31, một ngọn đồi chiến lược, một cao điểm quân sự, luôn luôn ở trong tầm mắt, trong liên tưởng thường trực với một trận giao tranh khốc liệt, bây giờ trơ trọi hoang tàn…
Mỗi phi xuất của chúng tôi hướng dẫn từ 4 đến 12 Phi tuần Phản lực Hoa Kỳ, U2Oanh kích phần nhiều là tiếp cận, vì Cộng quân luôn bám sát các cánh quân Dù, Biệt động quân, Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
Phản lực Mỹ gồm có A3, A4, A6, A7, F100, F4C, F.A.C Việt Nam gồm những KQ ưu tú trong ngành Quan Sát, nên mặc dù hỏa lực của
địch rất mạnh (theo tin tức của Tình Báo thì có chừng 2 ngàn súng Phòng Không của địch luôn hoạt động) chúng tôi cũng vẫn liên lạc chặt chẽ thường xuyên với quân bạn, và hướng dẫn oanh kích thật chính xác mục tiêu, gây nhiều nỗi kinh hoàng cho địch quân cũng như những tổn thất trầm trọng cho đối phương.
địch rất mạnh (theo tin tức của Tình Báo thì có chừng 2 ngàn súng Phòng Không của địch luôn hoạt động) chúng tôi cũng vẫn liên lạc chặt chẽ thường xuyên với quân bạn, và hướng dẫn oanh kích thật chính xác mục tiêu, gây nhiều nỗi kinh hoàng cho địch quân cũng như những tổn thất trầm trọng cho đối phương.
Thời tiết thường xấu, nhất là tại các vùng hành quân, mây, mưa, gió, đạn Phòng Không vẫn là những đe dọa thiết thực đối với KQ.
Mặc dù vậy, chúng tôi đã tình nguyện gia nhập Quân Chủng Không Quân, làm việc trong đơn vị tác chiến, nên cho dù hiểm nguy cách mấy, chúng tôi vẫn không sờn lòng.
Có lao vào vùng lửa đạn, mới có những cảm giác “không tả”, “vô lường” vì cao xạ phòng không của địch lúc nào cũng đan từng mảng lưới lửa đạn, và tạo thành từng rừng bông khói trắng từ 8, 10, 12 đến 14 ngàn bộ….Điều đó có nghĩa là: Phi cơ lúc nào cũng bay trong tầm hiệu quả của Phòng Không địch!
Phương thức “né đạn” là phải bay lượn thường xuyên, nhất là những lúc xạ kích hoặc chỉ điểm, chúng tôi phải rất cảnh giác và khéo léo “Xàng qua, Xàng lại” để tránh đạn của địch.
Thông thường mọi người vẫn quan niệm “Đạn tránh người” nhưng thực tế ở chiến trận “Hành Quân Hạ Lào” này, thì…”Người phải tránh đạn”!!!
Vì OV10 có thể bay được bằng chong chóng và phản lực, nên rất lợi hại, muốn bay chậm hay bay nhanh đều dễ dàng hành động, cũng vì ưu điểm đó, mà giờ này tôi mới còn có cơ hội ngồi viết bài này!
Mỗi phi vụ ở Chiến trường Hạ Lào, tưởng chừng như gấp 5, gấp 7 lần so với những phi vụ ở vùng IV hay ở Miên, luôn luôn được ăn “G”, Black out và red out, là chuyện “cơm bữa”.
Ngày mới ra đây, phi vụ đầu tiên chưa quen, có anh đã “cho chó ăn chè”, phần đông thì cũng rất mệt mỏi và…thần kinh giao động!
Nhưng khi “quen nước quen cái” rồi, thì bổn phận, trách nhiệm đã lấn áp tất cả, có khó khăn, gian nguy, mới nảy sanh lòng quyết thắng, khả năng và kinh nghiệm mới có cơ hội được thể hiện tròn nét.
Vâng, những ngày biệt phái từ vùng IV ra vùng I, để tham dự trận đánh lịch sử Hạ Lào đã qua rồi, nhưng nó vẫn còn mãi với những kỷ niệm vàng son, trong muôn vàn kỷ niệm nối kết của cuộc đời xông pha lửa đạn, mong có một đất nước Việt Nam Hòa Bình Thịnh Trị, muôn người như một, sống chan hòa tình thương đồng loại.
Tưởng cũng nên đan cử ra đây, một vài kỷ niệm, mà chính nó đã tô thành những nét son chói đỏ trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, một niềm hãnh diện lớn lao cho Sư Đoàn IV KQ cũng như Phi Đoàn 116 vậy.
Đồi 31 là một cao điểm Quân Sự do Tiểu đoàn 39 Biệt động Quân trấn giữ. Trời hôm đó hơi xấu, trần mây thấp, mà áp lực địch có phần nặng hơn mọi ngày. Địch với súng cối, hỏa tiễn, bắn như mưa bão lên đồi, khói lửa và cát bụi bốc cao mịt mù, đồng thời xe Tăng và Bộ Binh Bắc Việt kéo ào ạt lên đồi, như chốn không người, Đại úy Tôn Thất Tân (PĐ110) và Đại úy Nguyễn viết Trường (PĐ 116) đã cố gắng tập trung các Phi tuần Phản Lực của Hoa Kỳ, để dội những trận mưa bom xuống địch, hòng đập tan âm mưu dã man của chúng, hàng loạt MK82, BLU27, BLU32, rơi xuống như vũ bão, khiến Địch Quân khựng lại. Nhưng, rất xui, khi đó có một Phi cơ loại F4C bị trúng đạn phòng không, hai phi công Hoa Kỳ nhảy dù xuống đất, thế là theo lệnh của trên, tất cả các phi công Mỹ được lệnh bỏ Đồi 31, để cấp cứu hai phi công bị nạn này, Đại úy Tân và Đại úy Trường đành nghẹn ngào và uất hận khi chứng kiến địch quân tràn ngập đồi 31!
Trước đó mấy ngày, Đại úy Nguyễn viết Trường đi bay với một trung uý Mỹ trên loại máy bay VO10, anh được biết có một phi hành đoàn trực thăng Hoa Kỳ gồm 07 người, đã bị trúng đạn phòng không của địch, họ đã sống trong nỗi kinh hoàng trong 02 ngày 03 đêm, mọi phương tiện cấp cứu của Hoa Kỳ đều thất bại, Phi cơ đến cứu không vào được mục tiêu vì hỏa lực địch mạnh vô cùng.
Đại úy Nguyễn viết Trường ( PĐ 116) quan sát mục tiêu, khi biết có thể liên lạc trực tiếp với phi hành đoàn bị nạn, anh đã cho biết với kinh nghiệm bao năm chiến đấu với Cộng Quân, anh có thể cứu được 07 người Mỹ này, và chỉ cần thời gian là nửa ngày mà thôi!
Sau khi được sự chấp thuận của hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ, anh bắt đầu tiến hành những phương cách của riêng mình nghĩ ra. Thoạt tiên, anh đề nghị cho oanh kích dữ dội một mục tiêu cách xa đó, với mục đích đánh lạc hướng suy nghĩ của địch quân, trong lúc đó anh đề nghị cho “đổ” một toán Hắc Báo cách nơi toán lâm nạn khoảng 10 Km, rồi hướng dẫn họ đến mục tiêu giải cứu 07 quân nhân Hoa Kỳ, để giữ an toàn cho đám Hắc Báo, anh đã cho thả bom theo hình chữ U xung quanh toán Hắc Báo, Phi Tuần, F.A.C, và toán Hắc Báo đã được phối hợp một cách nhịp nhàng và hữu hiệu, dưới tài điều động của Đại uý Nguyễn viết Trường, kết quả toán Hắc Báo đã đến nơi chỉ định an toàn.
Khi toán Hắc Báo và phi đoàn thọ nạn liên lạc được nhau, sẵn sàng thực hiện việc giải cứu, Đại uý Trường đề nghị cho thả bom theo hình chữ L và hướng dẫn trực thăng đến “bốc” toàn bộ mọi người về căn cứ Khe Sanh, theo hướng do anh chỉ định.
Thời gian cấp cứu vỏn vẹn đúng nửa ngày, theo như tiên đoán của anh. Thật là một phi vụ tuyệt vời,
Câu trả lời cho các báo chí ngoại quốc của Đại úy Trường là:
“ Bất cứ một người Việt Nam nào khi gặp trường hợp như anh, đều làm được như anh, có khi còn hay hơn anh nhiều”.
Kết quả, Đại úy Nguyễn Viết Trường được tuyên dương và gắn huy chương tại Bộ Tư lệnh Không Quân, là chiến sĩ xuất sắc, được đi du ngoạn Đài Loan, Hồng Kông, và được báo chí Việt Nam, và báo chí Mỹ đăng hình và phỏng vấn.
Trong một phi vụ khác, phi hành đoàn gồm Đại uý Hudges và Đại úy Mai trí Dũng (PĐ116) cùng bay trên OV10, số đuôi 789, cất cánh lúc 16 giờ 15 phút, tại căn cứ Ái Tử, đến vùng hành quân, hướng dẫn 02 phi cơ A6 oanh kích tiếp cận, cho một vị trí của Dù, tình hình rất nguy khốn, vìđịch quân vây hãm và tấn công dữ dội…
Lúc xuống bắn Rockets để đánh dấu mục tiêu, ở cao độ 5000 bộ, phi cơ trúng một loạt phòng không của địch, động cơ ngưng hoạt động, khi kéo lên, cũng bị thêm một loạt cao xạ khác, làm nổ tung ổ đạn Minigun bên trái, nhưng cả hai đồng quyết định cố gắng bay về Đà Nẵng đáp, vì có nhảy dù ra ở đây cũng chết vào tay quân thù, rất may mắn, đáp Đà Nẵng an toàn,
Phi hành đoàn quả là gan dạ và “hết xảy”!
Những phi vụ nêu trên, cho thấy khả năng và lòng can đảm của những người Không Quân chúng tôi có thừa!
Nhưng cuộc chiến Việt Nam với những ràng buộc vào Đồng Minh, đã ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần và lòng yêu nước của chúng tôi!
Đến nay, Lịch sử đã sang trang, những người đáng phải thắng lại thua, những người đáng phải thua lại thắng!
Đất nước Việt Nam còn nhiều trăn trở, lắm đau thương, cho đến nay mấy chục năm trời đã trôi qua, nhưng những chứng nhân lịch sử vẫn ít nhiều còn tồn tại, họ đã, đang và sẽ nghĩ gì? Hành động gì? Chắc không ai trong chúng ta không biết và không hiểu, hơn nữa có một điều khẳng định được:
Họ đã một thời vì lòng yêu nước, vì chính nghĩa Quốc Gia, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Quê Hương đọa đầy này!
Thật đáng trân trọng lắm thay!
Sa Giang Nguyễn Văn Đức (PĐ116)
No comments:
Post a Comment