Nơi đây cách thị xã Quảng Trị 10 cây số. Bên trái con đường là bãi cát trắng lẫn với màu đất đen. Những cụm nhà mái tôn rải rác bên đường dưới ánh nắng gần trưa. Không một bóng người. Bên phải con đường là bãi cát vàng khô khốc, thỉnh thoảng gió thổi thốc từng cơn, những cụm cát tung lên xòa ra trong nắng. Một căn nhà xập xệ chắp lại bằng những miếng tôn cũ trên đó có dòng chữ bằng sơn trắng “Sửa xe, vá ép”. Nơi cửa, một ông già ở trần ngồi trên bậc thềm, tay cầm quạt lá, tay kia chống cằm nhìn bâng quơ ra con đường nhựa vắng người. Ngày 1 tháng 5 năm 1972, hàng vạn đồng bào từ Quảng Trị tản cư vào Huế. Cuộc tản cư và rút lui hỗn loạn đã biến đoạn Quốc Lộ 1 ở quận Hải Lăng thành con đường xương máu khi quân Bắc Việt phục kích và nã pháo vào đoàn người di tản. Bao nhiêu xác người đã nằm xuống và con đường hôm nay đìu hiu thưa thớt. Ai đã khiêng cất xác họ. Ai đã rửa chùi những đống máu, lau đi những óc não tung bay. Ai sắp lại những gan ruột phơi ra trầy trụa. Ai đã đạp lên xác họ trên đường chạy loạn rồi gục xuống ở bước chân kế tiếp, chồng lên người đã chết. Bây giờ, Đại Lộ Kinh Hoàng mang tên Lê Duẩn. Tôi đang đi trên nó một buổi sáng vắng lặng yên bình, nhưng chợt ớn lạnh từng cơn như vô hạn oan hồn chồm lên quấn lấy hỏi han. Cơn gió đồng lướt thướt thổi qua. Tôi trèo lên xe, nói chạy nhanh vào thị xã. Tới một ngã ba, người tài xế rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo. Đó là một con đường nhỏ hơn, có một chứng tích duy nhất còn sót lại của thị xã Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa, trường Bồ Đề. Người ta nói số bom đạn đổ xuống thị xã trong 81 ngày đêm, kể từ ngày 30 tháng Ba năm 1972, có sức công phá mạnh gấp bảy lần trái bom nguyên tử thả xuống Nhật trong thế chiến thứ hai. “Một viên gạch cũng bể làm tư,” người Quảng Trị nói rứa. Chỉ riêng ngôi trường Bồ Đề còn đứng vững với bốn bức tường lỗ chỗ vết đạn bom. Đến một ngã tư, lại rẽ phải. Cổ Thành Quảng Trị nằm phía tay trái, cách quốc lộ chừng hai cây số. Ở góc tường đầu tiên, rêu và cây dại mọc dày nhưng các vết đạn xoáy sâu vào lớp gạch tường đo đỏ vẫn còn hằn dấu rõ.
Tôi nhớ như in bức ảnh chụp mấy người lính cắm cờ vàng ba sọc đỏ trên cổ thành đổ nát năm nào. Bây giờ người ta cho xây lại phần trên cổng thành. Màu xám xi măng còn rất mới, có vẻ lạc lõng và chênh vênh trên dãy tường thành cũ kỹ. Bên trong thành, một con đường bê tông chạy thẳng từ cổng đến một cái đài cao xây theo hình một nấm mộ lớn, có bốn lối đi dẫn lên đài. Giữa trung tâm đài có một lư hương lớn, và một cái cột cao vút lên dựng bên cạnh một mái nhà mô phỏng một cổng tam quan. Tôi đứng trên đài cao nhìn xung quanh. Trừ các con đường nội bộ trong thành, còn lại là bãi cỏ xanh, các ghế đá công viên, ở một khoảng sân người ta trưng bày một hỏa tiễn chống máy bay. Tôi đứng lại một mình. Những tường thành như có một luồng khí lạnh tuôn ra làm sởn da. Có tài liệu nói rằng trong trận ác chiến giành lại cổ thành, quân lực Việt Nam Cộng Hoà chết gần mười ngàn người, bộ đội cộng sản cũng chết khoảng con số đó.
Trong cổ thành này, xác người có thể sắp bên nhau dày đặc mặt đất. “Một viên gạch cũng bể làm tư”. Đó là một nhận xét có vẻ đơn giản nhưng thật kinh hoàng. Mấy năm trước tôi có coi một đoạn phim tài liệu 45 phút do “Sở Văn Hóa Thông Tin Quảng Trị” thực hiện với lời bình của Võ Nguyên Thủy, con Võ Nguyên Giáp. Họ chiếu các mũi tiến công của bộ đội cộng sản vào cổ thành khởi từ ngày cuối của tháng Ba năm 1972. Những trận giao tranh ác liệt. Các cảnh máy bay B52 rải bom. Khi bộ đội phải bỏ chạy qua bờ bắc của sông Thạch Hãn, họ bình luận “quân ta tổn thất khá nặng nề”.
Các nhà quân sự cộng sản chỉ cần gây tiếng vang. Họ khát danh vọng bất kể mười ngàn lính nằm xuống để đổi lấy 81 ngày đêm giành giật từng tấc đất một cách tuyệt vọng. Bất kể tính mạng dân thường gục xuống do những màn pháo kích bừa bãi từ trong núi nã xuống Đại Lộ Kinh Hoàng. Những điều đó không được nhắc đến trong cả cuốn phim tài liệu?. Một người bạn chụp hình chuyên nghiệp kể rằng vào đây mà không khấn vái thì khi rửa phim chỉ thấy một màu trắng xóa. Tôi tin điều đó. Trên đài tưởng niệm có một lư hương rất lớn, nhưng lư hương đó chỉ dành cho những người lính cộng sản. Không có một lư hương chung cho tất cả những linh hồn vô danh lẩn khuất nơi đây, để những người sống có thể thắp hương cầu nguyện cho tất cả. Tôi không thể đốt hương để cắm vào cái lư hương riêng biệt này. Vì thế tôi chọn cắm một nén hương vào hư không. Ở đây có nhà bảo tàng hai tầng. Tầng trên trưng bày các hiện vật và hình ảnh các bộ đội cộng sản, sơ đồ cổ thành, mô hình trận đánh. Trong ngổn ngang chiến tích, đạn, bom, và súng cối đã rỉ sét có một cái bàn vuông nhỏ bên trên lộng kính. Phía trong mặt kính có hai lá cờ vàng ba sọc đỏ xếp ngay ngắn, một vài món quân trang quân dụng, và năm tấm hình căn cước của năm người lính Việt Nam Cộng Hòa. Có một mẫu giấy ghi chú đây là “chiến lợi phẩm” mà “bộ đội tịch thu được” trong cổ thành hồi 1972. Các hiện vật ở tầng này nói chung sơ sài, cách trưng bày lộn xộn và thiếu chuyên môn. Rời cổ thành chúng tôi băng qua sông Thạch Hãn. Đến ngã ba rẽ vào Đường 9 Nam Lào. Năm 1971, Việt Nam Cộng Hòa mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 tấn công qua biên giới Lào để phá hủy các căn cứ của Bắc Việt. Trục lộ hành quân chính là đường số 9 bắt đầu từ hướng cực đông là thị trấn Đông Hà. Tôi đã đọc nhiều tài liệu về con đường này, và giờ đây tôi đang đi trên đường 9, bắt đầu từ thị trấn Đông Hà. Hơn 10 giờ sáng nhưng cả thị trấn vẫn vắng vẻ như không có nhiều người. Đường 9 Nam Lào bây giờ đã tráng nhựa và khá rộng để hai chiếc xe tải tránh nhau dễ dàng. Con đường này sẽ qua Cam Lộ, Cà Lu, Khe Sanh, Làng Vei, Lao Bảo cho đến biên giới Lào. Đường 9 Nam Lào lâu nay chỉ có trong mường tượng từ ký ức qua các tài liệu thời chiến: hình ảnh các cuộc chuyển quân, những người lính gian khó, các trận đánh dữ dội, những cơn gió Lào oi bức. Có những khúc đường hẹp phải dùng xe ủi đất mở đường, cây cối hai bên um tùm. Bây giờ đây trước mắt tôi là một con đường buồn, một thị trấn lặng lẽ, những căn nhà hai bên đường không đóng cửa, nhìn suốt vào trong cũng không thấy người. Lời của một bài hát vào năm 1972 vang lên “? Anh đã về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà?” Dưới ánh nắng trải đều dù không thấy dấu vết sót lại của những ngày chiến tranh khốc liệt, nhưng từng vùng đất đi qua đều gợi lên ký ức chiến tranh vì sự nổi danh của chúng. Những cái tên lừng lẫy, kiêu hùng như Cam Lộ, như Khe Sanh… Bây giờ bên phải là núi, bên trái là dòng sông Đakrông lấp lánh nắng mai ở cây số 46 của đường 9 (tính từ đoạn bắt đầu ở thị trấn Đông Hà). Có một cái cầu treo bắt ngang sông giữa hai đầu núi, cầu Đakrông, đoạn đầu của Đông Trường Sơn. Bên kia cầu là đường 14A đưa vào đèo Mạ Ơi, A Lưới, A Shau… Đây là nơi diễn ra trận Apache Snow sáng ngày 10 tháng Năm/1969, lúc quân đội Hoa Kỳ quyết định mở chiến dịch giải tỏa Thung Lũng A Shau với sự tham dự của nhiều đơn vị Thủy Quân Lục Chiến,Thiết Giáp, Không Quân và Bộ Binh?. Đã gần giữa trưa, hai bên cầu trẻ con người thiểu số tan học tung tăng đi về hướng A Shau. Tất cả bọn chúng mặc áo quần màu đen, chân đất, nước da đen xoắn khoẻ mạnh nhưng khuôn mặt hốc hác. Trông chúng có vẻ ngô nghê, lạc lõng trên con đường tráng nhựa và cây cầu treo mới khánh thành. Ngang Khe Sanh, chúng tôi băng ngang ngã ba dẫn vào căn cứ cũ để đi thẳng lên Lao Bảo. Khúc đường này đang xây dựng lỡ dở, bụi đỏ mờ mịt. Nhà cửa hai bên đường nhuộm màu bụi đỏ. Nắng khô khốc tưởng chừng cả vùng này rất khó tìm ra một giọt nước. Thỉnh thoảng có các xe đò mang bảng số Lào chạy ngược chiều chở các đoàn khách du lịch hướng về Quảng Trị. Đến trung tâm chợ biên giới Lao Bảo thì trời đã đứng bóng. Đây là một chợ biên giới gồm một khách sạn khá lớn xây sát sườn. Chợ gồm hai khu nhà tròn và một khu ăn uống bình dân. Một đứa bé chạy ra mời ăn cơm. “Mi có chi ăn?” Thằng bé nhanh nhẩu: “Chi cũng có đủ”. Khu ăn uống bình dân chỉ có hai quán bán cơm và toàn thức ăn khô. “Có đủ” gồm ba món là cá nục kho, cá ngừ kho và cà pháo dầm nước mắm. Như vậy cũng đủ ăn một buổi trưa biên giới và mua sắm một ít hàng lậu tuôn từ Lào qua. Ở Lao Bảo, người bán hàng khô khan ít nói như cái nóng của miền Trung. Cả khu chợ hàng hóa nhiều và trật tự hơn chợ Gò, nhưng có cái không khí trầm trầm lặng lẽ.
Chúng tôi lên xe chạy ngược về con đường bụi đỏ. Bên trái, những quả đồi nằm chịu trận dưới mặt trời bốc lửa. Đến Làng Vei, nằm nửa đường từ đoạn Lao Bảo – Khe Sanh, chúng tôi ngừng xe để ngắm dòng sông chảy dịu dàng bên dưới. Rạng sáng ngày 7 tháng 2 năm 1968, bộ đội Bắc Việt có chiến xa yểm trợ tấn công và tràn ngập trại Lực Lượng Đặc Biệt ở Làng Vei. Đoạn từ Làng Vei về lại Khe Sanh bằng phẳng, bên trái có vài nương rẫy của đồng bào thiểu số. Chúng tôi băng qua trung tâm Khe Sanh đã quá trưa, ngôi chợ lồng vắng vẻ như cả thị trấn đều ngưng hoạt động, đến ngã ba thì rẽ trái vào căn cứ Khe Sanh.
Ngày 23 tháng 2 năm 1968, quân Bắc Việt pháo 1,300 quả đại bác vào Khe Sanh trong 8 tiếng đồng hồ. Mười lính Mỹ chết. Đường đi phi trường Tà Cơn, một phi trường quân sự của Mỹ thời chiến, hẹp hơn đường 9, cũng đã tráng nhựa bằng phẳng. Phi trường nằm cách đường cái chừng cây số, có cổng rào và trạm gác thu lệ phí tham quan. Trên bãi sân ngổn ngang cỏ mọc người ta trưng bày một trực thăng UH và hai trực thăng chuồn chuồn. Ngày 11 tháng 2 năm 1968, hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh. Một chiếc nổ tung vì trúng đạn pháo kích.
Gần đây, Bộ Quốc Phòng Mỹ nói họ đã xác định được danh tánh bốn quân nhân Mỹ chết trên đồi 665 vào đầu tháng 5/1967, và hài cốt của bốn người lính này đã được đưa về Mỹ. Sau 37 năm nằm yên trong vùng đất Khe Sanh, bốn quân nhân chết trong độ tuổi 20 đã trở về quê hương, được vinh danh ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Còn những ngọn đồi 471, 552, 665, 689? thì vẫn xanh cỏ mọc. Còn bao nhiêu xương cốt của Mỹ, của VNCH, của Bắc Việt Nam vùi sâu nơi ấy. Con đường rời Khe Sanh từ hướng Tây, băng qua đèo Ai Lao để về lại Cam Lộ trông hùng vĩ hơn. Nhiều đoạn đèo đang được thi công nâng cấp, đất cát lổn nhổn trộn với bụi đỏ bay mịt trời. Mấy cái cần cẩu đang nâng lên hạ xuống ở một cây cầu đang xây mới cạnh chiếc cầu cũ bắt ngang một vực sâu, ngay một khúc quanh gắt như cùi chỏ. Đoạn đường này hẹp, nếu có một chiếc xe đi ngược chiều thì không biết tài xế sẽ xoay sở ra sao. Lấp lánh dưới sâu là dòng nước đã gần cạn trong mùa khô. Trời trong và xanh. Ngang một đoạn đèo gặp một đoàn người đang im lặng đi giữa đường, dẫn đầu là một người đàn ông mặc áo dài màu xanh đậm. Ông này xách một cái phèng la cũ, vừa đi chậm rãi vừa thỉnh thoảng gõ một tiếng “pheeng?”. Kế đến là bốn người đàn ông gánh một cái quan tài. Một đám tang giữa trưa. Trên quan tài có tấm hình của người chết, ảnh một cô gái trẻ. Những người đưa đám đều để đầu trần, có người đi chân không trên mặt đường nóng chảy nhựa. Bóng chiếc quan tài in xuống nền đường che nắng cho một vài người đi khép nép ven hông quan tài. Đoàn người đi chầm chậm trên đèo Khe Sanh – Cam Lộ. Tiếng phèng la điểm nhịp vang lên rồi tan dần vào vách núi. Một người trẻ hôm nay sắp được chôn. Trong một vùng đất còn nhiều người mất xác.
Lý Lô
Ngày 23 tháng 2 năm 1968, quân Bắc Việt pháo 1,300 quả đại bác vào Khe Sanh trong 8 tiếng đồng hồ. Mười lính Mỹ chết. Đường đi phi trường Tà Cơn, một phi trường quân sự của Mỹ thời chiến, hẹp hơn đường 9, cũng đã tráng nhựa bằng phẳng. Phi trường nằm cách đường cái chừng cây số, có cổng rào và trạm gác thu lệ phí tham quan. Trên bãi sân ngổn ngang cỏ mọc người ta trưng bày một trực thăng UH và hai trực thăng chuồn chuồn. Ngày 11 tháng 2 năm 1968, hai vận tải cơ C-130 đáp xuống Khe Sanh. Một chiếc nổ tung vì trúng đạn pháo kích.
Gần đây, Bộ Quốc Phòng Mỹ nói họ đã xác định được danh tánh bốn quân nhân Mỹ chết trên đồi 665 vào đầu tháng 5/1967, và hài cốt của bốn người lính này đã được đưa về Mỹ. Sau 37 năm nằm yên trong vùng đất Khe Sanh, bốn quân nhân chết trong độ tuổi 20 đã trở về quê hương, được vinh danh ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Còn những ngọn đồi 471, 552, 665, 689? thì vẫn xanh cỏ mọc. Còn bao nhiêu xương cốt của Mỹ, của VNCH, của Bắc Việt Nam vùi sâu nơi ấy. Con đường rời Khe Sanh từ hướng Tây, băng qua đèo Ai Lao để về lại Cam Lộ trông hùng vĩ hơn. Nhiều đoạn đèo đang được thi công nâng cấp, đất cát lổn nhổn trộn với bụi đỏ bay mịt trời. Mấy cái cần cẩu đang nâng lên hạ xuống ở một cây cầu đang xây mới cạnh chiếc cầu cũ bắt ngang một vực sâu, ngay một khúc quanh gắt như cùi chỏ. Đoạn đường này hẹp, nếu có một chiếc xe đi ngược chiều thì không biết tài xế sẽ xoay sở ra sao. Lấp lánh dưới sâu là dòng nước đã gần cạn trong mùa khô. Trời trong và xanh. Ngang một đoạn đèo gặp một đoàn người đang im lặng đi giữa đường, dẫn đầu là một người đàn ông mặc áo dài màu xanh đậm. Ông này xách một cái phèng la cũ, vừa đi chậm rãi vừa thỉnh thoảng gõ một tiếng “pheeng?”. Kế đến là bốn người đàn ông gánh một cái quan tài. Một đám tang giữa trưa. Trên quan tài có tấm hình của người chết, ảnh một cô gái trẻ. Những người đưa đám đều để đầu trần, có người đi chân không trên mặt đường nóng chảy nhựa. Bóng chiếc quan tài in xuống nền đường che nắng cho một vài người đi khép nép ven hông quan tài. Đoàn người đi chầm chậm trên đèo Khe Sanh – Cam Lộ. Tiếng phèng la điểm nhịp vang lên rồi tan dần vào vách núi. Một người trẻ hôm nay sắp được chôn. Trong một vùng đất còn nhiều người mất xác.
Lý Lô
No comments:
Post a Comment